Khác nhau giữa ERP và phần mềm kế toán

Khác nhau giữa ERP và phần mềm kế toán

– Từ định nghĩa chúng ta cũng đã có thể thấy sự khác nhau cơ bản của ERP và một phần mềm kế toán, đó chính là ERP gồm nhiều chức năng hơn và thiên về mục đích quản trị nhiều hơn mục đích kế toán. Doanh nghiệp sử dụng hệ thống ERP sẽ có khả năng kiểm soát tốt hơn các vấn đề như công nợ, chi phí, doanh thu, lợi nhuận, đồng thời có khả năng tối ưu hóa các nguồn lực như nguyên vật liệu, nhân công, máy móc thi công để có kế hoạch sản xuất, kinh doanh chính xác và phù hợp với năng lực của mình. Tuy vậy, một hệ thống ERP thường chỉ phù hợp với một doanh nghiệp nhất định.

– Phần mềm kế toán mục đích chính là giúp kế toán viên xử lý các số liệu đầu vào theo hình thức tự động, giúp giảm chi phí, thời gian so với việc xử lý thủ công. Từ các số liệu đó, phần mềm kế toán sẽ xuất ra được các báo cáo kế toán giúp đánh giá được tình hình hoạt động của doanh nghiệp như báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, tình hình sử dụng tài sản, nguồn vốn, … tuân thủ theo các quy định và chế độ kế toán nhà nước. Vì thế, một phần mềm kế toán thông thường sẽ phù hợp với đa số doanh nghiệp hơn ERP. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp Việt ứng dụng các phần mềm ERP của nước ngoài thất bại là do sự khác biệt của hệ thống kế toán ở Việt Nam so với hệ thống kế toán thế giới.

– Phần mềm kế toán có đầu vào là kết quả của những hoạt động của doanh nghiệp (mua bán hàng hoá vật tư, thu chi tiền mặt, tiền gửi, …) còn hệ thống ERP nhắm vào các quy trình tác nghiệp và các công việc hoạch định chiến lược trong công ty. Khâu xử lý kế toán trên hệ thống ERP thông thường là khâu cuối cùng và mang tính kế thừa dữ liệu từ các modules phía trước. Vì vậy, với phần mềm kế toán đơn lẻ, không nằm trong hệ thống ERP thì việc nhập dữ liệu đầu vào từ các bộ phận khác hay từ hệ thống phần mềm khác cần phải được thực hiện thủ công.

– Trong giải pháp quản lý tổng thể ERP, phân hệ kế toán được xây dựng theo định hướng quản lý tài chính kế toán. Hoạt động của các bộ phận và mọi nghiệp vụ phát sinh trong doanh nghiệp đều liên quan mật thiết đến bộ phận kế toán nên ứng dụng quản lý tài chính kế toán trong phần mềm ERP cực kỳ quan trọng. Với tính liên kết dữ liệu đồng nhất (do tích hợp các ứng dụng trên một nền tảng duy nhất) nên ứng dụng kế toán trong ERP sẽ có tính kế thừa dữ liệu chặt chẽ, chính xác và tức thời từ các bộ phận khác trong doanh nghiệp. Ví dụ với nghiệp vụ xuất kho nguyên vật liệu cho sản xuất, hệ thống ERP sẽ cho bạn biết số lượng xuất vật tư có nằm trong khuôn khổ định mức vật tư cho sản xuất thành phẩm không, và số lượng thành phẩm hoàn thành có phù hợp với kế hoạch sản xuất kinh doanh không, … Còn đối với phần mềm kế toán, bộ phận kế toán chỉ có thể căn cứ vào số liệu thực tế kho xuất bao nhiêu để ghi nhận vào phần mềm để quản lý tồn kho và đưa ra các báo cáo thống kê mà không thể kết luận được rằng số liệu này là thiếu hay đủ cho sản xuất.

– Thời gian triển khai của hệ thống ERP và phần mềm kế toán cũng rất khác nhau. Thông thường, với một phần mềm kế toán đơn giản, bạn chỉ cần khoảng thời gian từ một tuần đến một tháng là có thể nắm vững cách thức sử dụng. Còn với giải pháp ERP, thời gian để doanh nghiệp có thể thấy rõ hiệu quả của hệ thống thường phải mất ít nhất 3 năm. Nếu doanh nghiệp không có quyết tâm, không có đủ trình độ và năng lực về ngân sách thì rất khó để triển khai ERP thành công.

Đến đây có lẽ các bạn cũng đã có thể đánh giá xem doanh nghiệp của mình phù hợp với giải pháp nào. Nếu đủ lớn, dám đương đầu với thử thách để đón nhận thành công, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn về Odoo ERP.